LỤC THẢO HOA THƯA
Tên khác: Lục thảo thưa, Ngãi.
Tên khoa học: Chlorophytum laxum R. Brown, Prodr. 277. 1810.; thuộc họ Măng tây (Asparagaceae).
Tên đồng nghĩa: Anthericum parviflorum (Wight) Bentham; Chlorophytum parviflorum (Wight) Dalzell; Phalangium parviflorum Wight.
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Lục thảo hoa thưa là cây cỏ sống nhiều năm, mọc thành bụi cao 20-30cm. Thân ngắn, rễ mọc thành chùm, có nhiều rễ phình to thành củ, nhiều nạc. Mặt cắt rễ có màu trắng hơi vàng. Rễ phụ có thể dài đến 20 cm. Lá mọc tập trung ở gốc xếp thành 2 dãy. Phiến lá hình dải, dài 20-35cm, rộng 0,3-1cm, có nhiều gân dọc. Mép lá nguyên, ngọn lá nhọn, gốc dạng bẹ. ôm lấy thân. Cụm hoa dạng chùm, dài 20-50cm, mọc từ trong nách lá, thẳng đứng hoặc cong xuống, mang nhiều hoa. Hoa nhỏ, đều, màu lam trắng, có cuống dài khoảng 5 mm. Bao hoa 6 mảnh, hình mũi giáo, rời nhau, dài khoảng 3 mm, xếp thành 2 vòng, các mảnh bao hoa vòng ngoài rộng hơn vòng trong. Nhị 6, ngắn hơn bao hoa, đính ở gốc mảnh bao hoa. Chỉ nhị dạng bản, rời nhau, dài khoảng 2 mm. Bao phấn hình cầu, đường kính khoảng 1 mm, hướng trong. Bầu trên, 3 ô. Quả nang, dài 3-4 mm, đường kính 5-6 mm, 3 cạnh rõ, vỏ quả dai. Hạt 3, màu đen, dẹt. Mùa ra hoa: tháng 3-4, mùa quả: tháng 10-12.
Bộ phận dùng: Toàn cây phơi hay sấy khô của cây Lục thảo hoa thưa (Herba Chloraphyti Laxi).
Phân bố sinh thái:
Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Nam Trung Quốc, Triều Tiên, Indonesia, Việt Nam, các nước nhiệt đới châu Phi tới châu Úc. Ở Việt Nam cây phân bố từ Quảng Ninh (đảo Ba Mùn), Ninh Bình (Cúc Phương), Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế.
Thu hái, chế biến: Thu hái toàn cây vào mùa hè- thu, rửa sạch phơi khô dùng dần hoặc dùng tươi.
Thành phần hóa học:
Định trong lá và rễ Lục thảo hoa thưa có alkaloid, saponin, coumarin, flavonoid, acid hữu cơ, carotenoid, acid amin, tanin, phytosterol, chất béo. Các nhà khoa học đã phân lập 5 chất từ lá: 7-C-[β-D-glucopyranosyl-(12)-β-D-glucopyranosyl]-6-O-β-D-glucopyranosyloxy-4',8-dihydroxyflavon (Laxuminosid); Quercetin-3-O-β-D-glucopyranosid; Quercetin-3-O-β-L-rhamnopyranosid; Quercetin-3-O-α-L-rhamnopyranosyl-(16)-β-D-glucopyranosid; 5-hydroxymethyl-2-furancarboxaldehyd. Phân lập 9 chất từ rễ là: 5-(ethoxymethyl)-2-furancarboxaldehyd (Chlorophaldehyd); β-sitosterol-3-O-(6'-O-hexadecanoyl)-β-D-galactopyranosid (Laxosid); 5-hydroxymethyl-2-furancarboxaldehyd; Cirsiumaldehyd hay bis(5-formylfurfuryl) ether; 1,5-Dihydroxy-3-hydroxymethylanthraquinon hay ω–hydroxyziganein; Acid chrysophanic; Stigmast-5-en-3β-ol; Methyl caffeat; 1,2-Di-O-(9Z,12Z-octadecatrienoyl)-3-O- β-D-galactopyranosylglycerol.
Tính vị, tác dụng:
Vị hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống.
Công dụng:
Thường dùng trị 1. Rắn cắn; 2. Đòn ngã sưng đau.
Liều dùng, cách dùng:
Ngày dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy cây tươi giã nát đắp.