LỰU
Mã SP: LỰU
Thông tin
LỰU
 
Tên khác: An thạch lựu, Thạch lựu.

Tên khoa học: Punica granatum Linnaeus, Sp. Pl. 1: 472. 1753.; thuộc họ Lựu (Punicaceae).

Tên đồng nghĩa: Punica florida Salisb.; Punica grandiflora Steud.; Punica nana L.; Punica spinosa Lam.; Rhoea punica St.-Lag.

Đặc điểm thực vật (Mô tả): 
Cây gỗ nhỏ cao từ 2-4 m, thân già màu xám có tiết diện tròn, thân non màu xám hơi đỏ, tiết diện vuông có 4 cánh. Thân có ít gai và thường ngọn cành biến đổi thành gai. Lá đơn mọc đối, phiến lá nguyên hình thuôn dài, ngọn lá nhọn, gốc lá hình chót buồm, dài 6-7 cm, rộng 1,3-1,6 cm, mép lá hơi uốn lượn, hai mặt lá nhẵn màu xanh, mặt trên bóng hơn mặt dưới. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ mặt dưới, 7 cặp gân phụ nối với nhau ở gần mép lá, màu đỏ, chìm. Cuống lá màu đỏ, hình lòng máng có cánh ở 2 bên, dài 0,5-0,7 cm. Không có lá kèm. Cụm hoa: hoa có thể mọc riêng lẻ hoặc tụ lại thành xim ít hoa ở nách lá hay ở ngọn cành. Hoa to màu đỏ, đều, lưỡng tính; cuống hoa không có hoặc rất ngắn, dài 0,1- 0,4 cm, tiết diện vuông, màu xanh loang đỏ; trên cuống của hoa riêng lẻ có những vẩy màu xanh mọc đối; ở cụm hoa xim, hoa có lá bắc và 2 lá bắc con hình vảy tam giác, dài 0,5-1 mm, màu xanh. Đế hoa lõm hình chuông, dài 2,5-3 cm, rộng 1,5-2 cm, màu đỏ. Bao hoa đính trên miệng đế hoa, 6-8 lá đài hình tam giác nhọn rời, đều, màu đỏ, dày và cứng cao 1-1,2 cm, rộng 0,8-1 cm, tồn tại trên quả, tiền khai van; 6-8 cánh hoa màu đỏ, mỏng, rời, móng ngắn phiến rộng gần tròn hơi khum, nhăn, nhàu nát trong nụ dài 1,5-2 cm, rộng 1-1,2 cm, tiền khai van. Bộ nhị: nhiều nhị, rời, gần đều, xếp thành nhiều vòng ở mặt trong đế hoa; chỉ nhị màu đỏ dạng sợi mảnh dài 0,6- 0,8 cm, cong trong nụ dựng đứng lên khi hoa nở; bao phấn màu vàng thuôn dài 0,1-0,15 cm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính giữa; hạt phấn hình bầu dục có rãnh dọc, rời, màu vàng, dài 27,5 m, rộng 16,25 µm. Bộ nhụy: 8-10 lá noãn, bầu dưới, dính liền với đế hoa, xếp thành 2 tầng, tầng dưới 2-3 ô đính noãn trung trụ, tầng trên 6-7 đính noãn bên, ô mỗi ô nhiều noãn; 1 vòi nhụy màu vàng hình trụ tròn, dài 0,5-0,8 cm; một đầu nhụy màu xanh nhạt, phẳng. Quả mọng to có vỏ cứng, mang đài còn lại, quả hình cầu đường kính 8-10 cm, màu xanh loang đỏ, nhiều hạt. Hạt hình khối đa giác đường kính từ 0,5- 0,7 cm, màu trắng hơi hồng hoặc màu hồng, vỏ ngoài của hạt mọng nước, có thể ăn được.

Bộ phận dùng: 
Vỏ quả phơi hay sấy khô của cây Lựu (Pericarpium Granati), thường gọi là Thạch lựu bì. Vỏ cây, vỏ rễ, hoa, thịt quả cũng được sử dụng.

Phân bố, sinh thái, trồng trọt: 
Cây có nguồn gốc ở Tây Âu, được trồng nhiều ở Bắc Châu Phi, nay thành phổ biến ở nước ta, lựu cũng có thể được trồng bằng hạt hoặc cành chiết.

Thu hái, chế biến, bảo quản: 
Thu hái vỏ rễ, vỏ thân quanh năm, hoa quả thu hái vào tháng 6-7. Đào rễ về rửa sạch, bóc lấy vỏ, bỏ lõi, phơi hoặc sấy khô. Vỏ quả lấy khi còn tươi, bỏ màng trong, thái mỏng, sấy khô; khi dùng vỏ khô thì rửa sạch, cạo bỏ màng trong, đồ cho mềm, thái mỏng, sao qua. Bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm.

Thành phần hoá học:
Vỏ rễ chứ  tanin cao (2%) và 0,5-0,7% alkaloid toàn phần trong đó có pelletierin, isopelletierin, methylpelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alkaloid có hoạt tính trị giun cao. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alcaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn. Còn có acid betulic và 3 chất base khác.
Dịch quả chứa acid citric, acid malic và các chất đường glucose, fructose, maltose.
Vỏ quả chứa granatin, acid betulic, acid ursolic và isoquercetin.

Tính vị, tác dụng: 
Vỏ quả có vị chua, chát, tính ấm; có tác dụng sáp trường chỉ tả, chỉ huyết, khu trùng. Vỏ thân và vỏ rễ có vị đắng, chát, tính ấm, có độc; có tác dụng sát trùng trừ sán.

Công dụng, cách dùng, liều dùng:
Vỏ quả được dùng trị ỉa chảy và lỵ ra huyết, đái ra máu, băng huyết, bạch đới, thoát giang, đau bụng giun. Ngày dùng 15-30g dạng thuốc sắc, cũng thường phối hợp với các chất thơm.
Vỏ thân và vỏ rễ dùng trị giun, đặc biệt đối với sán dây ở người và đối với cả sán của chó. Ngày dùng 20-60g, dạng thuốc sắc. Hoặc dùng 0,30g pelletierin phối hợp với 0,40g tanin chia làm 3 lần uống. Còn dùng trị đau răng (ngậm nước sắc).
Thịt quả được dùng trợ tim, giúp tiêu hoá. Dịch quả tươi làm mát hạ nhiệt. Hạt giúp tiêu hoá. Hoa dùng chữa viêm tai đề phòng chảy mủ.

Bài thuốc:
1. Chữa sán dây: Vỏ rễ Lựu tươi 60g, Hạt cau 40g, nước 750mg. Cho vào nồi (không dùng nồi gang, nồi tôn) ngâm 6 giờ, rồi sắc còn 500ml, lọc bỏ bã. Uống buổi sáng khi đói, chia làm 2 lần cách nhau nửa giờ. Hai giờ sau khi uống thuốc thấy bụng cồn cào khó chịu thì uống một liều thuốc tẩy đến lúc buồn đi ngoài thì ngồi nhúng hẳn mông vào chậu nước ấm để sán ra hết. Trong khi uống nước thuốc cần nằm nghỉ và nhắm mắt (theo Dược liệu Việt Nam).
2. Chữa lỵ lâu ngày không khỏi, biến chứng sa trực tràng: Thạch lựu bì 15g, sắc lấy nước gia lượng đường đỏ vừa đủ uống nóng.
3. Chữ lỵ mạn tính, cũng trị được băng lậu, bạch đới: Hoàng liên thang: Thạch lựu bì, A giao (hòa uống), Đương quy đều 10g, Hoàng liên, Hoàng bá đều 5g, Can khương 5g, Cam thảo 3g sắc uống.
4. Chữa bỏng lửa: Thạch lựu bì 500g cho nước sắc còn 250ml lọc qua vải (cho ít thuốc chống mốc nếu là mùa hè), nhúng thuốc vào gạo vô trùng đắp vào chỗ bỏng.
5. Chữa giun đũa và giun kim: Binh lang tán: Binh lang 15g, Thạch lựu bì 15g, sắc nước uống
6. Chữa giun chỉ: Thạch lựu bì 10g, Sử quân tử 15g, Binh lang, Quán chúng đều 10g, sắc uống trị giun kim.
7. Chữa sán: Thuốc chữa sán theo Dược thư của Pháp: Vỏ lựu khô tán vừa phải 60g, nước cất 750g. Ngâm bột trong 6 giờ, sắc còn 500ml gạn và lọc. Sáng sớm uống thuốc chia làm 2 hay 3 lần, cứ cách nửa giờ 1 lần, sau khi uống liều cuối được 2 giờ thì uống 1 liều thuốc tẩy. Khi uống thuốc cần nằm nghỉ, nhắm mắt cho đỡ mệt.
Vỏ rễ lựu 4g, Đại hoàng 4g, Hạt cau 4g, nước 750ml, sắc còn 300ml. Tối hôm trước nhịn đói, sáng hôm sau uống thuốc chia làm 2 - 3 lần. Trong khi uống thuốc cần nằm nghỉ, đợi khi nào thật buồn đi tiêu mới đi, mông nhúng hẳn vào chậu nước ấm cho sán ra hết.
 
Nhận Xét
Phản hồi:
Tên *
Nội dung *
Rating *
Mã bảo vệ
Captcha
Nhập mã bảo vệ *
SẢN PHẨM KHÁC

VI TÚI TÁI

SẢNG

MỘC QUA

LƯỜI ƯƠI

LAN MÔI CHIM MÉP RÈM

LAN GIÁNG HƯƠNG ĐUÔI CÁO

KIM NGÂN

KIM NGÂN DẠI

KIM NGÂN HOA TO

KIM NGÂN LÁ MỐC

KIM NGÂN LẪN

KIM TƯỚC CHI

KINH GIỚI DẠI

ÍCH MẪU NAM

HÚP LÔNG